Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm cơ bản về quản lý tài chính cá nhân, tại sao nó lại quan trọng và làm thế nào để lập kế hoạch quản lý tài chính hiệu quả từ việc đặt mục tiêu, xác định thu nhập và chi phí, lập ngân sách, quản lý và đầu tư.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ hơn về quản lý tài chính cá nhân, cung cấp cho bạn các công cụ và kiến thức cần thiết để lập kế hoạch và quản lý tài chính cá nhân của mình một cách hiệu quả.
I. Tầm quan trọng của lập kế hoạch tài chính cá nhân
Kế hoạch tài chính cá nhân có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, một bảng kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả sẽ giúp bạn:
- Nắm rõ tình hình tài chính của bản thân bằng cách liệt kê lại các khoản thu, chi, tiết kiệm, đầu tư. Từ đó, chúng ta sẽ dễ dàng xác định được số dư tài khoản, lượng tiền có thể dùng để chi tiêu, đầu tư và tích lũy.
- Đạt được những mục tiêu tài chính đã đề ra trước đó có thể là mua một căn nhà, sử dụng tiền để học tập, nghỉ hưu về sau….
- Kiểm soát chi tiêu và đầu tư hợp lý: lên kế hoạch chi tiêu theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo rằng bản thân không chi tiêu quá mức và còn đủ tiền để tiết kiệm và đầu tư.
- Quản lý rủi ro tài chính: lên kế hoạch tiết kiệm và đầu tư hợp lý sẽ giúp chúng ta giảm thiểu tác động của các rủi ro tài chính: mất việc làm, đột xuất chi tiêu, hay giảm giá của các tài sản đầu tư…
II. Lập kế hoạch tài chính cá nhân
Bước 1: Xác định mục tiêu tài chính
Đầu tiên để xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, bạn cần xác định được mục tiêu tài chính cụ thể. Việc này rất quan trọng vì nó giúp bạn biết được những gì bạn muốn đạt được từ việc quản lý tài chính. Dưới đây là một số gợi ý về cách xác định mục tiêu tài chính:
Đặt mục tiêu cụ thể: Mục tiêu phải rõ ràng, đo lường được và xác định thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Ví dụ: Tiết kiệm được 2 tỷ để mua nhà sau 05 năm.
Ưu tiên mục tiêu tài chính: Khi đã có các mục tiêu tài chính cụ thể, bạn cần sắp sếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Điều này giúp bạn tập trung vào các mục tiêu quan trọng và đạt được chúng.
Bước 2: Đánh giá tài chính hiện tại
Sau khi xác định được mục tiêu tài chính, bước tiếp theo là đánh giá tình hình tài chính hiện tại của bản thân. Điều này, giúp bạn có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính hiện tại của bản thân, từ đó có thể đưa ra kế hoạch phù hợp.
Để đánh giá tài chính hiện tại của bản thân, hãy trả lời các câu hỏi sau nhé:
- Thu nhập hằng tháng của bạn là bao nhiêu?
- Chi phí sinh hoạt: chi phí thuê nhà, tiền điện nước, cước internet, chi phí ăn uống, giải trí…hàng tháng của bạn là bao nhiêu?
Sau đó, hãy so sánh số tiền chi tiêu hàng tháng với thu nhập của bạn để xem liệu bạn có đang dành quá nhiều số tiền chi tiêu cho những việc không thật sự cần thiết hay không? Nếu số tiền chi tiêu hàng tháng lớn hơn thu nhập của bạn, bạn cần phải xem xét lại chi tiêu của mình để cắt giảm chi phí.
Bạn cũng cần phải tính toán tổng số tiền tiết kiệm hiện tại của bản thân. Nếu số tiền tiết kiệm chưa đủ để đáp ứng mục tiêu tài chính, bạn cần tìm cách tiết kiệm thêm và cắt giảm các khoản chi không cần thiết để đạt được mục tiêu tài chính của mình.
Bước 3: Lên kế hoạch tài chính chi tiết
Có nhiều cách để bạn lập kế hoạch chi tiêu, dưới đây là một số phương pháp quản lý tài chính cá nhân mà bạn có thể tham khảo. Với các phương pháp này, sẽ giúp bạn có được kế hoạch chi tiêu cá nhân phù hợp nhất.
Quy tắc 50/20/30: Phân chia nguồn tiền cho các mục tiêu tài chính theo mức độ quan trọng và ít quan trọng hơn.
- 50% sẽ dành cho các chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, điện, nước.
- 20% sẽ dùng cho mục tiêu đầu tư tài chính, tiết kiệm, trả các khoản vay.
- 30% cho chi tiêu cá nhân như hiếu hỷ, hội họp bạn bè, vui chơi giải trí.
Quy tắc 6 chiếc lọ:
- Lọ thứ nhất, chiếm 55% tổng thu nhập, sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu, các sinh hoạt thường ngày.
- Lọ thứ 2, chiếm 10% tổng thu nhập, dùng cho tiết kiệm dài hạn, các hoạt động kinh doanh, mua sắm tài sản.
- Lọ thứ 3, chiếm 10% thu nhập, đầu tư cho tri thức. Một khóa học tiếng Anh, một quyển sách chuyên ngành tài chính chẳng hạn.
- Lọ thứ 4, chiếm 10% thu nhập, dùng cho các hoạt động hưởng thụ. Bạn dùng 10% này mua các phần quà cho bản thân, các hoạt động giải trí.
- Lọ thứ 5, chiếm 10% thu nhập, tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác cho bản thân thông qua việc góp vốn đầu tư, kinh doanh,…
- Lọ thứ 6, chiếm 5% còn lại, dùng để thực hiện các hoạt động từ thiện, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Tìm hiểu thêm về phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.
Bước 4: Chia nhỏ mục tiêu và xác định thời gian hoàn thành
Để lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thì việc đưa ra các mốc thời gian thực hiện cụ thể là điều bạn nên làm. Thời gian hoàn thiện được đưa ra dựa trên bản chất của từng mục tiêu và tình hình tài chính thực tế của bản thân.
Lưu ý: cần chia nhỏ thời gian để đảm bảo tính thực thi cho mục tiêu dài hạn. Ví dụ trong 3 tháng tới bạn cần 20 triệu để mua điện thoại Iphone 12 pro 128Gb. Hãy hoạch định cụ thể cho mình từng ngày/tháng bạn cần tiết kiệm 1 bao nhiêu tiền.
Bước 5: Tuân thủ kế hoạch quản lý tài chính cá nhân
Tuân thủ kế hoạch quản lý tài chính là một phần quan trọng của việc lập kế hoạch tài chính cá nhân. Đòi hỏi sự cam kết, kỷ luật và tự giác để giúp duy trì các mục tiêu tài chính của bạn và đạt được những kết quả mà bạn mong muốn. Sẽ chẳng có phương pháp xây dựng bảng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nào cả nếu bạn không tuân thủ và duy trì được ở bước này.
III. Một số lưu ý khi lập kế hoạch tài chính cá nhân
Dưới đây là một số lưu ý bạn cần phải nắm để lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.
- Kế hoạch cần dựa trên tình hình tài chính thực tế của bản thân
- Theo dõi từng giai đoạn thực hiện để kịp thời đưa ra những điều chỉnh hợp lý nếu có sự kiện ngoài mong muốn xảy ra.
- Sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ lên kế hoạch như lịch tài chính, ứng dụng thống kê chi tiêu,…
- Đặt biệt, hãy tuân thủ và kỷ luật với chính mình để có đạt được mục tiêu tài chính trong tương lai.
Trên đây là tất cả các bước cần thiết để lấp một kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích, giúp bạn thành công đạt được các mục tiêu tài chính của bản thân.
Tham khảo thêm: Top 10 cách quản lý chi tiêu hiệu quả bạn đã biết chưa? , Top 7 app quản lý chi tiêu cho người mới bắt đầu