bond trái phiếu là gì?

Trái phiếu là gì? Những điều cần biết trước khi đầu tư trái phiếu

Đầu tư trái phiếu dạo gần đây là kênh được các nhà đầu tư tin tưởng để “giao phó” khoản tiền của mình. Dù vậy, không hẳn ai trong chúng ta cũng đều hiểu đúng và đủ về trái phiếu và những lợi ích, rủi ro khi đầu tư trái phiếu. Bài viết dưới đây của Anvest Academy sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi “Trái phiếu là gì?”, để từ đó hướng tới việc tạo ra lợi nhuận từ kênh đầu tư này.

1. Trái phiếu là gì?

Trai phieu la gì

Vậy tóm lại trái phiếu là gì?

Trái phiếu là một loại chứng khoán giúp cơ quan/tổ chức phát hành nó có thể huy động nguồn vốn từ xã hội. Theo đó, nhà phát hành trái phiếu đóng vai trò là người đi vay vốn, còn các nhà đầu tư trái phiếu chính là những người có khoản tiền nhãn rồi trong thời gian dài và cần cho vay. Khoản tiền cho vay đó được 2 bên cam kết vay trong một khoảng thời gian với số lãi nhất định. Khi hết thời gian đã cam kết (thời điểm đáo hạn) thì nhà đầu tư có quyền lựa chọn tái đầu tư, chuyển sang cổ phiếu hoặc dừng đầu tư để thu hồi vốn và lãi.

Như vậy hiểu một cách đơn giản, sở hữu trái phiếu tức là trở thành chủ nợ của doanh nghiệp. Lợi nhuận của trái phiếu đã được cam kết giữa bên bán – bên mua trái phiếu theo và trả theo kỳ hạn (thông thường là trên 1 năm), với mức lãi suất không thay đổi cho dù công ty có làm ăn phát đạt hay thua lỗ. Trái lại, khi bạn đầu tư cổ phiếu tức là góp vốn cho công ty kinh doanh và việc kinh doanh thuận lợi hay khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng được mức lợi nhuận mà bạn nhận được.

2. Đặc điểm của trái phiếu là gì?

Đặc điểm của trái phiếu là gì?
  • Ổn định: lợi nhuận của trái phiếu đến từ đến từ mức lãi/số tiền vốn mua trái phiếu có được sau một khoảng thời gian mà 2 bên đã cam kết (thông thường là trên 1 năm).
  • An toàn: trái phiếu là một khoản nợ, do đó đơn vị/tổ chức phát hành trái phiếu khi phá sản hoặc bị giải thể có nghĩa vụ phải ưu tiên thanh toán cho các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trước, sau đó mới đến những người nắm giữ cổ phiếu của công ty.
  • Không chịu ảnh hưởng từ các hoạt động của đơn vị/tổ chức phát hành trái phiếu: người sở hữu trái phiếu không có được tham gia vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời cũng không chịu ảnh hưởng từ các hoạt động đó, dù doanh nghiệp thu được nhiều lợi nhuận hay thua lỗ thì mức lợi nhuận mà các nhà đầu tư trái phiếu được nhận là không thay đổi.

3. Các cách phân loại trái phiếu là gì?

Các cách phân loại trái phiếu

Trái phiếu được phân thành nhiều loại và phổ biến nhất là cách sắp xếp dựa trên cơ quan hoặc tổ chức đã phát hành chúng. Dưới đây là một số loại trái phiếu phổ biến ở Việt Nam hiện nay:

Trái phiếu chính phủ

Trái phiếu chính phủ (Retail Bonds) là loại trái phiếu do Chính phủ phát hành để huy động vốn từ người dân và các tổ chức trong xã hội. Theo Nghị định 01/2011/NĐ-CP, trái phiếu chính phủ là loại trái phiếu do Bộ Tài Chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc các chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi quản lý của nhà nước. Cũng chính vì vậy mà loại trái phiếu này được đánh giá đáng tin cậy và ít rủi ro nhất trên thị trường.

Mức giá mua vào của trái phiếu chính phủ theo Nghị định 95/2018/NĐ-CP thấp nhất là 100.000 VND/trái phiếu hoặc là một giá trị khác lớn hơn nhưng phải là bội số của 100.000 VND. Lãi suất của trái phiếu chính phủ có thể là lãi suất cố định (không thay đổi trong suốt thời gian cam kết), lãi suất thả nổi (lãi suất cho vay được điều chỉnh theo định kỳ và có thể thay đổi theo thời gian) hoặc lãi suất chiết khấu (lãi suất mà ngân hàng Nhà nước tính toán trên dưa trên các khoản vay đối với các ngân hàng thương mại).

Kỳ hạn của trái phiếu chính phủ thường sẽ dài hơn so với các loại trái phiếu khác, có thể là từ 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm cho đến 50 năm. Tiền lãi được thanh toán theo định kỳ 6 tháng/lần, 12 tháng/lần hoặc thanh toán cùng một lần trong ngày đáo hạn (ngày thanh toán tiền vốn).

Trái phiếu địa phương

Trái phiếu địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương hay còn được gọi là trái phiếu Muni (Municipal Bonds), là loại trái phiếu được phát hành bởi các cơ quan địa phương như Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hoặc Ủy ban nhân dân cấp thành phố trực thuộc trung ương. Về tính chất, loại trái phiếu này tương đồng với trái phiếu chính phủ và khoản “vay” được sử dụng để phục vụ các hoạt động công như xây dựng các công trình công cộng như điện, đường, trường, trạm, …

Trái phiếu ngân hàng

Trái phiếu ngân hàng là loại trái phiếu do ngân hàng phát hành để huy động vốn trong thời gian ngắn với mức lãi suất xác định trước. Hình thức của loại trái phiếu này cũng giống như việc gửi tiền tiết kiệm nhưng có mức lãi suất cao hơn.

Ở Việt Nam, có một số ngân hàng có phát hành trái phiếu như Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank).

Trong đó có 2 ngân hàng có số lượng trái phiếu phát hành năm 2021 nhiều hơn so với các ngân khác là VPB với 22.700 tỷ đồng và ACB với 22.200 tỷ đồng.

Trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp là loại trái phiếu do doanh nghiệp phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ (một loại chứng từ về cam kết giữa doanh nghiệp và trái chủ) nhằm huy động nguồn vốn trong xã hội để mở rộng quy mô kinh doanh, công nghệ hoặc thanh toán các khoản nợ, …

Trái phiếu doanh nghiệp được chia làm 2 bộ phận nhỏ hơn là trái phiếu niêm yết và trái phiếu OTC. Trong đó, trái phiếu niêm yết là loại trái phiếu được đăng ký và lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, được giao dịch rộng rãi trên các sàn tập trung như Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSX).

Trái phiếu OTC (Over the Counter) là loại trái phiếu được các doanh nghiệp giao dịch trên thị trường phi tập trung, nghĩa là các cam kết của loại trái phiếu này chỉ là thỏa thuận cá nhân giữa bên mua và bên bán trái phiếu. Do đó, giao dịch của loại trái phiếu doanh nghiệp này không bị trói buộc bởi các chính sách pháp lý mà dựa trên những thỏa thuận mua bán riêng giữa các nhà đầu tư.

Trái phiếu chuyển đổi

Trái phiếu khi chuyển đổi sang cổ phiếu được gọi là trái phiếu chuyển đổi. Tuy nhiên, việc lựa chọn chuyển đổi từ cổ phiếu sang trái phiếu hoặc mua trái phiếu chuyển đổi cũng cần phải có sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng. Trường hợp sau đây là một ví dụ về việc mua trái phiếu chuyển đổi.

“Một Doanh nghiệp X có 12 triệu cổ phiếu và giá trị trường là 32.000 VND/cổ phiếu. Sau đó công ty này phát hành 1 triệu trái phiếu chuyển đổi với mức giá là 1.000.000 VND/trái phiếu. Bán theo lô 1.000 trái phiếu và lãi suất được tính là 10%/năm trong thời gian 5 năm.

Nhà đầu tư có quyền đổi trái phiếu thành cổ phiếu vào ngày đáo hạn với tỷ lệ 1:50 (1 trái phiếu chuyển thành 50 cổ phiếu). Khi đó nếu bạn bỏ tiền ra mua một lô trái phiếu chuyển đổi thì tức là bạn sở hữu 1.000 trái phiếu. Hay nói cách khác là cho công ty A vay 1 tỷ đồng. Mỗi năm theo cam kết bạn sẽ thu về 100 triệu lãi vay, trong vòng 5 năm tổng cộng số tiền mà bạn sẽ nhận được là 500 triệu tiền lãi.

Đến kỳ đáo hạn bạn sẽ có 2 lựa chọn: Thứ nhất, bán trái phiếu để thu về vốn 1 tỷ đồng (thường áp dụng khi giá cổ phiếu Doanh nghiệp X thấp hơn so với giá trị trường 32.000 VND/cổ phiếu). Thứ hai, nếu giá trị trường của cổ phiếu trên thị trường đạt mức trên 32.000 VND/cổ phiếu thì tiền hành đổi 1.000 trái phiếu thành 50.000 cổ phiếu của Doanh nghiệp X. Nếu sau 5 năm cổ phiếu của Doanh nghiệp X có giá 100.000 VND/cổ phiếu, thì 50.000 cổ phiếu đó sẽ có tổng giá thị trường là 5 tỷ đồng”.

Như vậy, việc chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu cũng cần phải có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về lợi hại. Nếu quyết định đúng đắn thì số lợi nhuận mang lại là không hề nhỏ, nhưng nếu quyết định sai lầm thì không những không có lợi nhuận mà còn phải gánh lỗ hoặc có nguy cơ mất trắng.

Ngoài các phân loại trái phiếu theo đơn vị/tổ chức phát hành thì trái phiếu còn có một số cách phân loại khác như:

  • Theo lợi tức trái phiếu: bao gồm trái phiếu có lãi suất cố định, trái phiếu thả nổi (như đã đề cập ở phần phân loại của trái phiếu chính phủ) và trái phiếu không lãi suất.
  • Theo hình thức trái phiếu: bao gồm trái phiếu ghi danh và trái phiếu vô danh.
  • Theo tính chất trái phiếu: bao gồm trái phiếu có quyền mua cổ phiếu, trái phiếu có thể mua lại và trái phiếu có thể chuyển đổi.
  • Theo mức độ đảm bảo thanh khoản: trái phiếu đảm bảo và trái phiếu không đảm bảo.

4. Các cách mua trái phiếu là gì?

Các cách mua trái phiếu

Đối với trái phiếu chính phủ

Theo Nghị định số 95/2018/NĐ-CP, trái phiếu chính phủ được phát hành theo 3 phương thức.

  • Thứ nhất, đấu thầu phát hành trái phiếu thông qua các tổ chức đấu thầu về lãi suất cho nhà đầu tư khi mua trái phiếu.
  • Thứ hai, các tổ chức có uy tín đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu và nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua các tổ chức này.
  • Thứ ba, bán trực tiếp trái phiếu cho từng đối tượng mua.

Đối với trái phiếu địa phương

Theo Nghị định số 93/2018/NĐ-CP, trái phiếu địa phương được phát hành theo 3 phương thức.

  • Thứ nhất, đầu thầu phát hành tại tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán nơi tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ.
  • Thứ hai, các tổ chức uy tín đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu.
  • Thứ ba, giao cho các tổ chức đủ điều kiện để làm đại lý phát hành trái phiếu, đại lý thanh toán tiền gốc và lãi của trái phiếu.

Đối với trái phiếu ngân hàng

Nhà đầu tư chỉ có thể mua loại trái phiếu này khi các ngân hàng phát hành trái phiếu. Có 2 phương thức để mua loại trái phiếu này:

  • Thứ nhất, mua trực tiếp tại chi nhánh của ngân hàng phát hành;
  • Thứ hai, mua thông qua các công ty môi giới chứng khoán (của một số ngân hàng phát hành trái phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán).

Đối với trái phiếu doanh nghiệp

Có 2 phương thức để mua trái phiếu doanh nghiệp. Cách thứ nhất là mua trực tiếp tại nơi phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Cách thứ hai phổ biến hơn là mua trái phiếu doanh nghiệp tại các sàn giao dịch chứng khoán.

5. Những lợi ích và rủi ro khi mua trái phiếu là gì?

Những lợi ích khi mua trái phiếu là gì?

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp và bối cảnh kinh tế cũng không mấy khả quan. Chính vì vậy, đầu tư trái phiếu được coi là một kênh đầu tư an toàn và mang lại hiệu quả tốt đối với khoản tiền nhàn rỗi cho các nhà đầu tư.

Đối với các loại trái phiếu được phát hành bởi chính phủ

  • Mức độ an toàn của loại trái phiếu này gần như là an toàn tuyệt đối, được Nhà nước bảo lãnh.
  • Nhà đầu tư của trái phiếu chính phủ sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân..
  • Dễ dàng trao đổi, mua bán hoặc đem thế chấp vì trái phiếu chính phủ có tính thanh khoản rất cao.
  • Giá trị của loại trái phiếu này sẽ tăng khi các kênh đầu tư bất động sản hoặc chứng khoán gặp vấn đề.

Đối với trái phiếu ngân hàng

  • Ngân hàng là một bộ phần của tổ chức Chính phủ. Do đó, đầu tư trái phiếu ngân hàng chính là giải pháp đầu tư an toàn những có mức lãi suất cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm.
  • Trái phiếu ngân hàng mang lại nguồn thu cố định, vì lãi suất trái phiếu từ ngân hàng không phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
  • Trái phiếu ngân hàng phù hợp với những nhà đầu tư không có vốn lớn, vì mức giá mua vào của loại cổ phiếu này không có giá quá cao.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp

  • Có lãi suất cao hơn so với các loại trái phiếu hoặc hình thức đầu tư tài chính khác.
  • Mức độ rủi ro thấp hơn so với nhóm cổ đông sở hữu cổ phiếu vì được ưu tiên thanh toán trước khi công ty phá sản hoặc giải thể.
  • Dễ sang chuyển đổi chủ sở hữu trái phiếu mà vẫn giữ nguyên mức lãi suất đã cam kết trong khoảng thời gian đã giao kết.
  • Có thể tái đầu tư sau khi đáo hạn hợp đồng để lấy “tiền + lãi cũ sinh ra lãi mới”.

Mặc dù có những ưu điểm như vậy, nhưng trên thực tế đầu tư trái phiếu vẫn tồn tại những rủi ro. Vậy những rủi ro khi mua trái phiếu là gì?

Những rủi ro khi mua trái phiếu là gì?

Các rủi ro chung của trái phiếu

  • Nhầm lẫn giữa khái niệm bảo đảm phát hành và bảo đảm thanh toán trái phiếu. Các tổ chức đảm bảo phát hành trái phiếu chỉ có nghĩa vụ đối với việc phát hành trái phiếu, chứ không nhằm đảm bảo khả năng thanh toán trái phiếu của đơn vị/tổ chức phát hành trái phiếu đó.
  • Rủi ro liên quan đến thanh khoản khi giá cả thị trường tồn tại nhiều biến động, các nhà đầu tư không thể bán được trái phiếu và phải chờ đến kỳ đáo hạn.
  • Rủi ro liên quan đến lạm phát thường xảy ra trong các đợt suy thoái kinh tế, khủng hoảng chính trị, thiên tai, dịch bệnh, …, khiến cho giá cả thị trường sụt giảm và giá trị của trái phiếu từ đó cũng suy giảm theo.
  • Mối quan hệ nghịch đảo của giá và lãi suất của trái phiếu. Giữa giá của trái phiếu và mức lãi suất không tồn tại mối tương quan thuận chiều. Khi giá của trái phiếu tăng, lãi suất sẽ có xu hướng giảm. Ngược lại, khi giá trái phiếu giảm thì lãi suất sẽ có xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, mỗi loại trái phiếu do các cơ quan khác nhau ban hành cũng tồn tại mức rủi ro không giống nhau.

Đối với các trái phiếu thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ ban hành

Mức lãi suất thấp và thời gian sinh lời lâu. Đặc biệt là xu hướng giảm lãi suất của trái phiếu ngân hàng trong thời gian dịch bệnh, đã khiến cho loại trái phiếu này không còn hấp dẫn các nhà đầu tư như trước.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp

  • Trái phiếu doanh nghiệp không phải tiền gửi ngân hàng, do đó phương thức hoạt động của loại trái phiếu này dựa trên cơ chế tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, đối với những nhà đầu tư không nhận thức được rủi ro của loại trái phiếu này có thể nhầm lẫn nó với trái phiếu của các các cơ quan thuộc Nhà nước phát hành.
  • Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có mức lãi suất “khủng” gấp nhiều lần so với các loại trái phiếu khác. Nhưng là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực tài chính và có kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên một số nhà đầu tư cá nhân trong khoảng thời gian đây không đáp ứng yêu cầu trên, nhưng vẫn mua trái phiếu của các doanh nghiệp riêng lẻ. Trong khi loại trái phiếu này được đánh giá là có rủi ro thanh khoản cao bởi năng lực của các doanh nghiệp phát hành chúng thường không có đủ tiềm năng tài chính để chi trả cho khoản lãi suất khổng lỗ như chính họ cam kết.
  • Tài sản đảm bảo là bất động sản, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư sẽ có trong tương lai của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thường không an toàn và có nguy cơ mất giá nếu thị trường có nhiều biến động.

6. Những điểm cần lưu ý khi mua trái phiếu là gì?

Đối với trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương

Trái phiếu phiếu chính phủ hoặc các đơn vị thuộc Chính phủ phát thành thường sẽ có mức lãi suất thấp hơn và thời gian đáo hạn dài hơn so với các loại trái phiếu khác. Nhưng đổi lại, mức độ đảm bảo của loại trái phiếu này gần như là an toàn tuyệt đối. Do đó đối với các nhà đầu tư muốn an toán thì đầu tư trái phiếu chính phủ là một lựa chọn đáng để cân nhắc.

Đối với trái phiếu ngân hàng

Đầu tư vào trái phiếu ngân hàng sẽ có mức lãi suất cao hơn so với gửi tiền tiết kiệm và lại có độ an toàn cao. Tuy nhiên, mức lãi suất đó thường không cao hơn so với trái phiếu doanh nghiệp. Chính vì vậy, loại trái phiếu này phù hợp hơn với nhà đầu tư không có quá nhiều vốn.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp

  • Đánh giá kỹ lượng về mức độ uy tín của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nên ưu tiên những công ty lớn, có nền tảng tài chính vững chắc và uy tín cao trên thị trường.
  • Lưu ý các thuật ngữ “bảo lãnh phát hành trái phiếu” và “bảo lãnh thanh toán trái phiếu”. Các tổ chức đứng ra bảo lãnh phát hành chỉ có trách nhiệm đối với việc phân phối số trái phiếu cần phát hành, chứ không nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh khoản trái phiếu của nhà đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần phải tìm hiểu kỹ về các loại bảo lãnh thanh toán trước khi mua trái phiếu (bảo lãnh thanh toán gốc + lãi hoặc chỉ bảo lãnh một phần gốc hoặc lãi).
  • Chú ý các điều khoản trong hợp đồng mua bán trái phiếu như mức lãi suất, kỳ hạn thanh toán, doanh nghiệp có cam kết mua lại trái phiếu hay không, có tài sản đảm bảo trong trường hợp doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể hay không, …

Lời kết

Như vậy, từ các thông tin và phân tích ở trên đã phần nào giúp các bạn giải đáp được những thắc mắc về cho câu hỏi “Trái phiếu là gì?”, cùng đặc điểm, phân loại và các mua trái phiếu, cùng những lợi ích, rủi ro và lưu ý khi quyết định đầu tư đối với từng loại trái phiếu nhất định. Thông qua đó, Anvest Academy mong muốn truyền tải đến các bạn những nội dung hữu ích để có thể bắt đầu đầu tư sinh lời từ hình thức tài chính này.