[Online] Workshop ‘Hết tiền cũng không sao” – 12/01/2023

THÔNG TIN WORKSHOP

  • Thời gian: 7:30 PM, ngày 12.01.2023
  • Online Google Meet
  • Người trình bày: Nguyễn Minh Nhật x Trần Tuấn

BẠN ĐÃ TỪNG TRẢI QUA NHỮNG THỜI ĐIỂM HẾT TIỀN?

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều đã từng trải qua những thời điểm hết tiền, chỉ có thể thể định nghĩa của mỗi người về tình trạng này thì sẽ khác nhau một chút. Có những người có điều kiện thì đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn mà người đó không có tiền mặt để xoay sở một số thứ mà họ đang muốn. Lại có người ở tình trạng khó khăn thì đó là một tình thế bế tắc kéo dài có thể đẩy bản thân và gia đình họ rơi vào trạng thái nguy hiểm. Hoặc cũng có thể đó là những giai đoạn lặp đi lặp lại theo một nhịp độ của lối sống nào đó, ví dụ chúng ta thường nghe thấy là đời sống sinh viên đầu tháng có tiền và nguyên tháng hết tiền chẳng hạn.

Vấn đề là trạng thái hết tiền đó xảy ra với bạn như thế nào và nó gây ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bạn? Rõ ràng là đến lúc này bạn vẫn còn sống sót qua những lần hết tiền đó, vậy thì mỗi lần nó lặp lại có giống nhau không, và bạn có học được điều gì từ điều đó không?

Tất nhiên, trong bối cảnh hiện đại thì chuyện “sống sót” theo nghĩa là sinh tồn thì cũng không còn khó nữa. Nhưng vượt qua được các thời điểm hết tiền để vươn lên và phát triển như thế nào mới là điều quan trọng hơn.

HẾT TIỀN THÌ SAO?

Bạn có thể tham khảo một TED Talks sau đây (có phụ đề tiếng Việt):

[A year without buying | Lucia Gonzalez Schuett]

Lucia từng làm việc trong ngành thời trang, rồi sau đó bỏ việc để tự thử thách chính mình với một điều hoàn toàn mới: Một năm không mua sắm bất kỳ thứ gì nữa, và cô chia sẻ điều này với nhiều người.

Có thể với văn hóa Phương Tây thì sẽ thấy điều này là lạ, nhưng đối với người phương Đông, hoặc đặc biệt với những người ở vùng quê thì chuyện cả năm không mua sắm gì là điều quá ư bình thường. Thậm chí tới thời bây giờ, những người bà con của mình ở quê cũng rất ít khi cần phải mua sắm vì tính cấp thiết của một thứ gì đó, mà hầu như chỉ vì thích thêm vậy thôi. Tức là thiên về “muốn” hơn là “cần”.

Vậy nếu chúng ta có thể đặt một câu hỏi ngược lại: Cần tiền để làm gì? Không có tiền thì có làm được việc đó không?

Bạn có thể xem tiếp một TED Talks của một người đàn ông Thái Lan cực kỳ nổi tiếng ngay cả ở Việt Nam, đặc biệt là đối với cộng đồng hướng theo lối sống gần với thiên nhiên: Jon Jandai

[Life is easy. Why do we make it so hard? | Jon Jandai]

Ông chia sẻ rằng cuộc sống thực ra vốn rất dễ dàng, nhưng xã hội chúng ta lại khiến mọi thứ khó khăn hơn. Và ông ấy còn lập cả một kênh YouTube để chia sẻ rất nhiều kiến thức về cuộc sống cho tất cả mọi người ở đây: https://www.youtube.com/@JonJandaiLifeisEasy

Vậy thì trước hết, chúng ta cần có một sự chuẩn bị về tâm lý rằng về cơ bản, chúng ta có thể không cần phải có tiền mới có thể sống sót được. Vậy thì, chúng ta có thể học được gì qua những lần hết tiền?

BẠN CÓ BIẾT TẠI SAO BẠN HẾT TIỀN?

Nếu hết tiền là một trạng thái tài chính thì trạng thái cảm xúc của bạn là gì? Vẫn có những khi chúng ta giữ được trạng thái financial wellbeing (an tâm tài chính) khi hết tiền, hoặc thậm chí ngay cả khi có nợ. Nhưng đó sẽ là một câu chuyện khác.

Trong tài chính cá nhân thì khía cạnh “cá nhân” là vô cùng quan trọng mà mọi người thường xem nhẹ. Để có thể càng lúc càng vững vàng hơn ở khía cạnh này, điều quan trọng là bạn phải liên tục quan sát được bản thân, đặc biệt là cảm xúc. Việc hiểu được cảm xúc của bản thân trong tất cả các giai đoạn thăng trầm sẽ là điều giúp bạn nhận ra những pattern (các mô thức hay các lối mòn) khiến bạn rơi vào các tình cảnh tương tự và có thiên hướng lặp đi lặp lại cùng một kiểu.

Khi hiểu được tại sao bạn rơi vào các tình huống hết tiền, bạn có thể học cách tránh được việc đó, hoặc sử dụng trạng thái đó phục vụ cho kế hoạch an tâm tài chính của bạn.

KHI HẾT TIỀN THÌ CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ?

Rất nhiều người có tư duy rằng không có tiền thì không làm được gì cả. Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi tư duy này, bởi vì chúng ta có thể làm được rất nhiều việc ngay cả khi mang nợ chứ không chỉ là khi hết tiền. Bạn sẽ thấy rằng các chuyên gia tài chính sử dụng nợ tài tình như thế nào, và các dự án được khởi động hoàn toàn không phải từ một nguồn vốn lớn mà chính từ tư duy, và nhiều thứ khác nữa ngoài tiền.

Và cứ kể như là bạn đang không có nguồn lực nào khác, thì chúng ta vẫn còn có rất nhiều điều có thể làm. Ví dụ như là bạn có thể tập trung phát triển bản thân, đọc sách, học tập, và… đi tìm việc để kiếm tiền. Vâng. Tất nhiên rồi.

Tuy nhiên, trong tất cả những việc đó, có một điều quan trọng mà rất ít người chịu làm, chính là: Đón nhận sự giúp đỡ.

ĐÓN NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ

Nếu hết tiền là một trạng thái tiêu cực đối với bạn, thì một điều cần làm chính là chịu đón nhận sự giúp đỡ. Văn hóa Á Đông, hay niềm kiêu hãnh cá nhân, hoặc thậm chí là tinh thần không muốn làm phiền người khác khiến chúng ta rất “sĩ diện”, rất khó để mở lời nhờ vả người khác giúp đỡ nếu tình huống chưa tới mức quá sức tồi tệ. Tuy nhiên, việc chủ động mở lời nhờ vả nhiều khi lại chính là sự tôn trọng mà chúng ta thể hiện đối với những người mà chúng ta tin tưởng. Bởi vì có tin tưởng thì chúng ta mới nói ra vấn đề của mình với họ, và để họ can thiệp vào cuộc đời của mình.

Một số trường hợp cực đoan hơn là có người đề nghị giúp đỡ bạn rồi, nhưng bạn lại từ chối và cứ bảo rằng mình ổn, mình tự lo được. Vậy thì một góc nhìn khác cho bạn chính là: Để người khác giúp đỡ mình cũng chính là một cách để xây dựng mối quan hệ. Vì khi bạn bỏ đi những hàng rào phòng thủ và cho phép một ai đó được can thiệp vào cuộc sống của mình, cũng chính là lúc mà mối quan hệ tin tưởng được gieo mầm. Giúp đỡ nhau qua lại trong những lúc khó khăn chính là tình bạn thật sự theo quan điểm của Phương Tây: “A friend indeed is a friend in need.” Điều đó cũng đúng với cả văn hóa Phương Đông, như kiểu nghĩa hiệp giang hồ mà bạn thường thấy trong phim chẳng hạn.

Vậy nếu nhìn lại, hết tiền chỉ là một trạng thái tài chính chưa thể tác động tới trạng thái an tâm tài chính (financial wellbeing) của bạn. À, một nhắn nhủ cuối cùng là dù có hết tiền thì hãy nhớ đừng để “hết tình hết nghĩa” hay là mất hết uy tín nhé. Rất nhiều thời điểm trong đời, nó quan trọng hơn tiền bạc nhiều lắm đấy!

Người viết: Trần Tuấn.