[Online] Workshop “Cảm xúc tài chính: Rào cản và động lực” – 05/01/2023

THÔNG TIN WORKSHOP

  • Thời gian: 7:30 PM, ngày 05.01.2023
  • Cách thức: Online Google Meet
  • Người trình bày: Nguyễn Minh Nhật

CẢM XÚC TÀI CHÍNH LÀ GÌ?

Đơn giản là cảm xúc của bạn liên quan tới các vấn đề tài chính mà thôi. Và đặc biệt trong series workshop “Hết Tiền” đối với các tình trạng tài chính của mình như thế nào?

Cảm xúc là một khía cạnh cực kỳ quan trọng, bởi vì trọng tâm an tâm tài chính (financial wellbeing) phần lớn là ở khía cạnh trạng thái tâm lý của bạn đối với tài chính. Cho nên, việc hiểu được các cảm xúc này sâu sắc hơn sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn trong mối quan hệ với tài chính. Từ đó, bạn sẽ có thể dễ dàng hơn để đạt tới trạng thái an tâm tài chính (financial wellbeing).

Những từ khóa có thể là: Bế tắc, thông suốt, mù mờ, bấp bênh, lên xuống, bất lực, bất an,… và trong các bối cảnh khác nhau liên quan tới các tình huống tài chính. Ví dụ như bạn có thể chọn xem mình có cảm xúc gì khi nhận lương? Cảm xúc gì khi bạn nhận thưởng? Cảm xúc gì nếu bạn mắc nợ? Hoặc người khác nợ bạn?

Câu hỏi là: Cảm xúc tài chính này gắn liền với điều gì?

Cảm xúc tài chính của bạn có gắn liền với mục đích mà bạn xài tiền không? Bạn có mong đợi gì trước từ đó không? Bạn có đặt sẵn mức kỳ vọng trước không? Bạn có bất ngờ với tình huống không? Cảm xúc này có lặp lại không? Có gắn liền với quá khứ của bạn không? Có nằm trong kế hoạch của bạn không?

Việc hiểu được điều gì đang diễn ra bên dưới những cảm xúc về tài chính là không hề dễ dàng, đòi hỏi một quá trình quan sát bản thân, tự phản tư, đào sâu vào chính bạn để có thể từ từ nhìn thấy những hình mẫu (pattern) trong cách bạn đầu tư, chi tiêu, tiết kiệm, và các hành vi tài chính khác. Dần dần bạn sẽ hiểu bản thân hơn, để hướng tới lối sống đúng với những giá trị cốt lõi của bạn.

Câu hỏi khác: Cảm xúc đó có kéo dài không? Vì sao?

Cảm xúc thường là điều gì đó chỉ xảy ra thoáng qua. Vậy thì cảm xúc của bạn về tài chính có kéo dài không? Bao lâu? Tại sao? Bạn nhận thấy điều gì trong đó?

Ví dụ như cảm xúc vui vẻ của bạn có thể kéo dài rất lâu sau khi bạn nhận được một khoản tiền thưởng bất ngờ, thậm chí sau khi bạn đã xài hết số tiền được thưởng từ lâu. Có thể giả định ví dụ như lý do là vì bạn cảm thấy tự hào khi được công nhận, chứ không quan trọng số tiền đó lớn hay nhỏ. Vậy thì bạn hiểu rõ hơn về bản thân, rằng mình rất muốn có được sự công nhận về năng lực làm việc đối với sếp và đồng nghiệp.

Hoặc ngược lại, bạn có thể rơi vào lo lắng kéo dài rất lâu vì các vấn đề liên quan tới nợ. Có thể bạn vẫn biết rằng việc lo lắng không giúp gì cho bạn được, nhưng vẫn không “đừng lo nữa” được. Vậy thì có thể bạn thử đào sâu hơn vào bản thân xem có phải vì bạn cảm thấy xấu hổ vì phải đi mượn nợ không? Hay bạn lo lắng sẽ khiến mối quan hệ của bạn với người cho mượn nợ bị lung lay? Hoặc một nỗi lo lắng sâu hơn về sự bất ổn về cuộc sống của mình?

Mô hình “Satir’s Personal Iceberg” trong cảm xúc tài chính

“Satir’s Personal Iceberg model”, tạm dịch là mô hình tảng băng trôi cá nhân của Satir, được phát triển bởi Virginia Satir – người được gọi là “Mother of Family Therapy” (người khai sinh ra trị liệu gia đình).

Về cơ bản, mô hình này chỉ ra nhiều lớp nhận thức khác nhau về bản thân, mà phần “iceberg” tức là chỏm băng nổi trên mặt nước chỉ là một phần rất nhỏ. Phần nổi đó là các hành vi, hành động, hoạt động, hoặc các câu chuyện… Còn phân bên dưới mặt nước thì được ẩn giấu, đòi hỏi chúng ta phải đào sâu hơn để có thể hiểu được những lớp dưới cùng chính là THE SELF – có thể gọi là bản thể cốt lõi nhất, linh hồn, tinh thần, cái nguyên bản nhất của mỗi người.

Bạn có thể áp dụng mô hình tảng băng trôi về khía cạnh cá nhân của Satir trong việc nhìn xuống sâu hơn bên dưới các biểu hiện bề mặt liên quan tới tài chính cá nhân, ví dụ như: hành vi chi tiêu, đầu tư, rồi các lớp sâu hơn như cảm xúc, và nhận diện về cảm xúc, vân vân…

Đây là một gợi ý để chúng ta hiểu hơn về cảm xúc của bản thân mình trong các khía cạnh tài chính cá nhân, bởi vì theo quan điểm của Anvest, để đạt tới trạng thái an tâm tài chính thì khía cạnh cá nhân phải được quan tâm đầu tiên và nhiều hơn so với khía cạnh kỹ thuật về tài chính.

Người viết: Trần Tuấn