THÔNG TIN WORKSHOP
- Host: Nguyễn Minh Nhật
- Thời gian: 7:30pm, ngày 29.12.2022
- Hình thức: Google Meet
PERMA MODEL LÀ GÌ?
PERMA Model do Martin Seligman phát triển, là một mô hình được sử dụng trong cách tiếp cận về Well-Being, tức là một cuộc sống tròn đầy, viên mãn, có chất lượng cao chứ không phải chỉ là đầy đủ về mặt vật chất mà bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó được tóm tắt bằng 5 khía cạnh được viết tắt thành P.E.R.M.A.
Khi áp dụng vào lĩnh vực tài chính cá nhân, mục tiêu mà Anvest đặt ra không phải là financial independence (tự do tài chính), mà là financial well-being (Anvest dịch là “an tâm tài chính”).
PERMA là mộ hình dành cho cả cuộc sống trọn vẹn nói chung, có nghĩa là nó có thể áp dụng vào mọi khía cạnh khác của cuộc sống, và tài chính cá nhân cũng vậy.
PERMA nói về mặt cá nhân nhiều hơn, và khi bạn đã rõ về mặt cá nhân, bạn đã “hiểu mình”, thì thực ra khía cạnh tài chính sẽ trở nên rất dễ dàng đối với bạn.
5 thành phần chính của PERMA Model:
1. Positive Emotions: Những cảm xúc tích cực
Những cảm xúc tích cực là điều đầu tiên, và cũng được ưu tiên hàng đầu bởi vì cách tiếp cận của lý thuyết này sẽ liên quan rất nhiều đến góc nhìn chủ quan nhiều hơn.
Cảm xúc tích cực chính là một động lực rất lớn trong mọi loại hoạt động, liên quan nhiều tới sự tưởng thưởng bản năng sinh học của cơ thể. Bởi vì khi bạn làm một việc gì đó mà bạn có được cảm xúc tích cực, bạn sẽ có khả năng duy trì việc đó cao hơn.
Ứng dụng vào tài chính cá nhân cũng tương tự như vậy. Nếu thực hành an tâm tài chính (financial wellbeing) giúp bạn có thêm nhiều cảm xúc tích cực, thì bạn sẽ có khả năng duy trì và phát triển nhiều hơn, tạo ra các hành động chia sẻ và lan tỏa tới nhiều người hơn – là thành tố thứ hai của mô hình PERMA: Engagement.
Còn nếu bạn có nhiều cảm xúc tiêu cực với tiền, hoặc khó khăn và vấn đề đối với tài chính cá nhân, vậy thì đó cũng là những dấu hiệu chỉ báo để bạn có thể tự xem xét lại và có những điều chỉnh thích hợp và kịp thời.
Vậy, bạn đã có những cảm xúc tích cực về mặt tài chính cá nhân của bạn chưa? Có khó khăn hoặc vấn đề nào khiến bạn có cảm giác tiêu cực?
2. Engagement: Những tương tác và sự tham gia
Thành tố thứ hai của PERMA Model chính là sự tham gia, sự gắn kết, hay sự tương tác liên quan tới trạng thái well-being. Đó là những hoạt động mà bạn có thể thực hiện với chính bản thân mình, hoặc tham gia với nhiều người khác.
Những hoạt động này có thể mang tới những cảm xúc tích cực và những mối quan hệ chất lượng. Đặc biệt, khi tham gia những hoạt động có thể kết nối nhiều người với nhau, hoặc cùng tạo ra ý nghĩa tích cực cho cộng đồng, làm điều gì mang đến niềm vui và hạnh phúc cho người khác, thì việc đó cũng sẽ mang đến niềm hạnh phúc lớn nhất dành cho bạn.
Như thiền sư Matthieu Ricard khi được hỏi rằng ông đã nghĩ gì khi các nhà khoa học đo chỉ số hạnh phúc trong lúc ông ngồi thiền, ông nghĩ điều gì mà có thể đạt tới trạng thái hạnh phúc nhất thế giới như vậy. Ông trả lời là: Compassion – là những việc giúp ích được cho người khác.
Bạn cũng sẽ nhận thấy sự tương tự của yếu tố Engagement trong triết lý Ikigai của Nhật Bản, trong đó nói về sự giao thoa của 3 loại hoạt động: Việc mà thế giới cần + Việc mà bạn giỏi + Việc giúp bạn kiếm được tiền. Vậy thì về mặt tài chính cá nhân cũng tương tự.
Vậy, bạn cần tham gia những hoạt động nào về tài chính cá nhân? Hoạt động nào giúp bạn có thêm cảm xúc tích cực (positive emotions)? Bạn sẽ cần tương tác với mọi người và với chính bản thân như thế nào để đạt được trạng thái well-being?
3. Positive Relationship: Những mối quan hệ tích cực
Mối quan hệ là điều then chốt trong cuộc sống của mỗi người, cho dù người đó sống ở trong cộng đồng nào, hoặc ngóc ngách nào của thế giới. Ngay cả khi người đó bế quan thiền định thì người đó cũng đang xây dựng mối quan hệ cực kỳ quan trọng: mối quan hệ với chính mình.
Con người vốn là loài động vật xã hội, liên kết với người khác chính là trạng thái mặc định. Vậy thì các mối quan hệ càng chất lượng, cuộc sống của người đó sẽ càng chất lượng.
Về mặt tài chính cũng như vậy, các mối quan hệ chất lượng thậm chí có thể quy ra thành tiền. Đó chính là vốn xã hội của bạn.
Đối với mô hình an tâm tài chính (financial wellbeing) của Anvest – mô hình Pentagon, thì các [mối quan hệ] sẽ là 1 trong 5 khía cạnh cực kỳ quan trọng, tương ứng với góc độ [VAY MƯỢN].
Câu hỏi dành cho bạn là: Những người nào mang đến cho bạn những cảm xúc tích cực và những tương tác có giá trị? Bạn xem những mối quan hệ như thế nào là giá trị? Những mối quan hệ gắn kết nhất với bạn có đang tích cực hay chưa?
4. Meaning: Ý nghĩa
Đối với định nghĩa về một cuộc sống đạt trạng thái well-being, viên mãn, tròn đầy, thì “ý nghĩa” chính là điều cực kỳ quan trọng. Nó gần như là trung tâm của cuộc sống.
Như Viktor Frankl đã có một câu nói nổi tiếng bất hủ là: “Những ai có mục đích sống sẽ có thể vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc đời.”
Khía cạnh ý nghĩa sẽ liên quan tới những yếu tố rất cá nhân. Ví dụ như yếu tố niềm tin, hoặc đức tin tôn giáo cũng là một góc độ quan trọng. Ý nghĩa cũng liên quan tới những tác động mà hoạt động hoặc do chính bạn có thể tạo ra. Hoặc là cảm nhận về tầm quan trọng và vai trò của bạn trong một bức tranh chung lớn hơn.
Đối với tài chính cá nhân cũng vậy. Việc sử dụng tiền một cách có ý nghĩa cũng chính là điều cốt lõi để đạt được trạng thái an tâm tài chính (financial wellbeing). Bởi vì điều quan trọng không phải là tiền, mà là bạn hướng tới những ý nghĩa gì?
Vậy câu hỏi dành cho bạn là: Những việc nào mang lại cho bạn cảm giác về ý nghĩa mạnh nhất? Bạn cảm thấy rõ nhất về tầm quan trọng của bạn ở đâu, môi trường nào, công việc gì? Việc sử dụng tiền như thế nào thì giúp bạn có cảm giác mạnh nhất về ý nghĩa?
5. Accomplishment: Thành tựu
Thành tựu là điều mà hầu như ai cũng mong muốn đạt được, thậm chí xem nó là yếu tố duy nhất của cuộc sống. Rất nhiều người chỉ tập trung tìm kiếm thành công, thành tựu, đạt được những mục tiêu — nhưng lại là những mục tiêu thiên về WHAT hơn là WHY, nghĩa là ở bề mặt hơn là sâu bên trong bản thân mỗi người.
Khi ở trong mô hình PERMA, nó sẽ liên quan nhiều hơn đến cảm xúc của bạn, về sự tự thỏa mãn. Cảm giác “thành tựu” là cảm giác mà bạn đã đạt được mục tiêu nào đó, cảm giác hài lòng về bản thân, cảm giác hoàn thành được một thứ gì đó, cảm giác vượt qua được một thử thách, hay trút bỏ được một gánh nặng. Nó là thứ sẽ giúp xây dựng cho bạn sự tự tin, và bản lĩnh để đạt được những thành tựu tiếp theo.
Trong tài chính cá nhân cũng vậy. Bạn có thể chia ra thành nhiều bước nhỏ, nhiều cột mốc nhỏ, nhiều mục tiêu nhỏ. Và khi bạn đạt được những mục tiêu, hoàn thành được những chặng đường đó, bạn sẽ càng lúc càng tự tin hơn và năng lực tài chính của mình. Để luôn đạt tới và duy trì được trạng thái an tâm tài chính của bạn.
Vậy thì, bạn sẽ đặt ra mục tiêu như thế nào? Bạn muốn đạt được những cột mốc nào trong hành trình tài chính cá nhân của bạn? Bạn đã đủ tự tin về năng lực tài chính của bạn chưa?
6. Vitality:
Liên quan nhiều tới mặt sức khỏe. Và không phải chỉ là sức khỏe vật lý mà cả sức khỏe tinh thần. Cuộc sống của bạn sẽ thiếu đi sự hoàn hảo nếu bạn không có một sức khỏe tốt, tinh thần tốt để tận hưởng nó.
Sẽ đến lúc chúng ta nhận thấy rằng chỉ cần ăn biết ngon, ngủ được yên giấc, có thể vận động tự nhiên và thong dong, không có các vấn đề về sức khỏe… đó mới là những điều đẹp nhất trong cuộc sống.
Ở góc độ tài chính cá nhân, Anvest không tiếp cận theo góc độ gay gắt hay quá nghiêm khắc về công thức, thực hành. Tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm, hoặc có những hoạt động hơi “phóng túng” vượt ra ngoài những nguyên tắc tài chính. Nhưng miễn là điều đó mang đến niềm vui sống cho bạn, hoặc bạn có thể dễ dàng phục hồi sau đó, hoặc sai lầm đó giúp bạn trở nên “khỏe hơn” vào những lần sau… thì tại sao lại phải oán trách bản thân về những điều đó?
Vậy câu hỏi cho bạn là: Bạn đã nghiêm túc xem xét góc độ sức khỏe của mình chưa? Bạn có kế hoạch tài chính cho những điều đó chưa? Những hoạt động nào sẽ giúp bạn có thể tận hưởng cuộc sống được tốt hơn?

Câu hỏi dành cho PERMA Model:
1. Hỏi: PERMA Model chỉ có 5 thành phần, vậy thì có đầy đủ không?
Đáp: Chưa biết.
Có thể khi áp dụng trong trường hợp cá biệt của bạn thì sẽ chưa đầy đủ. Tuy nhiên, đây là mô hình mang tính phổ quát cao, áp dụng được cho những khía cạnh chính. Vậy nên, rất đáng để tham khảo.
2. Hỏi: Các thành phần của PERMA Model có liên quan và tác động tới nhau như thế nào?
Đáp: Tất cả đều liên quan tới nhau, không phải là độc lập, riêng rẽ.
Như đã mô tả ở phía trên, mỗi thành phần đều sẽ liên quan và thúc đẩy hoặc cản trở những thành phần khác nếu làm tốt hoặc không tốt. Vậy thì, đây là cơ hội để chúng ta tự nhìn lại xem những khía cạnh nào mình đang mạnh, và chỗ nào còn yếu. Một cuộc sống trọn vẹn lý tưởng sẽ cần tất cả các mặt này đều ở mức “chấp nhận được” trở lên, dưới nhìn nhận chủ quan của bạn.
3. Tại sao lại chọn PERMA Model để ứng dụng vào tài chính cá nhân?
Đáp: Anvest có mô hình riêng, nhưng đây là một gợi ý hay để tiếp cận một góc độ mới.
Anvest cho rằng an tâm tài chính chính là nền tảng quan trọng để bạn có thể có một cuộc sống trọn vẹn, viên mãn. Và PERMA Model là một trong những cách rất tốt để có thể giúp bạn kiểm tra lại điều đó.
Và xin nhắc lại, đây chỉ là một mô hình tham khảo, không phải là mô hình chính để áp dụng cho tài chính cá nhân. Anvest đã xem xét nhiều mô hình và đã tự phát triển ra mô hình phù hợp nhất đối với người Việt Nam liên quan tới góc độ financial wellbeing và đã chia sẻ trong các khóa học, workshop, các sự kiện và các tài liệu khác. Bạn có thể xem thêm các khóa học của Anvest để hiểu sâu hơn.
4. Có mô hình PERMA có cả thành phần Vitality, có nghĩa là gì? Vậy còn biến thể nào nữa không?
Đáp: Hiện tại chỉ mới có sự bổ sung được công nhận rộng rãi là PERMA-V, như hình minh họa.


Có thể sẽ có những mô hình biến thể khác, nhưng chưa được biết đến rộng rãi. Anvest cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm để cập nhật trong tương lai. Và nếu bạn có thể bổ sung điều gì, thì bạn có thể gửi ý kiến đó cho Anvest, chia sẻ điều đó trên các cộng đồng an tâm tài chính của Anvets, hoặc thậm chí là gửi trực tiếp đến tác giả của mô hình này.
5. Nên sử dụng mô hình PERMA như thế nào?
Đáp: Như một gợi ý.
Bạn có thể áp dụng bất kỳ mô hình nào với vai trò là một gợi ý để mở đầu cho việc tiếp cận với chủ đề mà bạn quan tâm dưới một góc độ khác. Anvest cũng liên tục thử thách mô hình an tâm tài chính do Anvest phát triển bằng cách soi chiếu nó dưới nhiều mô hình khác nhau.
PERMA Model là một gợi ý tốt cho các khía cạnh trong cuộc sống, dành cho những ai muốn tìm kiếm một cuộc sống viên mãn tròn đầy: well-being. Bạn có thể dùng các thành tố này để tự đặt ra những câu hỏi cho mình, từ đó tìm kiếm hướng đào sâu hơn vào từng góc độ. Để hiểu mình hơn, và để sống tốt hơn.
Người viết: Trần Tuấn