loader image

Workshop “Ứng dụng cửa sổ Johari trong việc hiểu mình”

THÔNG TIN WORKSHOP

  • Thời gian: 9:00 AM, ngày 11.12.2022
  • Địa điểm: Timo Hangouts – 258 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM
  • Người trình bày: Trần Tuấn

HIỂU MÌNH CÓ TÁC DỤNG GÌ TRONG TÀI CHÍNH CÁ NHÂN?

Anvest là đơn vị đầu tiên và hiện tại là duy nhất tại Việt Nam tiếp cận vấn đề tài chính cá nhân dưới góc độ financial wellbeing, tạm dịch là “an tâm tài chính”.

Rất nhiều bên khác khi dạy về tài chính cá nhân lại chỉ dạy kỹ thuật tài chính, mà chưa biết mục đích là “để làm gì”. Với bài toán kinh tế thị trường, có lẽ cách có được nhiều học viên nhanh nhất chính là phục vụ nhu cầu có sẵn cực kỳ đông đảo về cách kiếm tiền nhanh, cách đầu tư và sử dụng tiền nhàn rỗi.

Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp rất nhiều người nắm trong tay tài sản lớn, kiếm được rất nhiều tiền mỗi ngày, mỗi tháng… nhưng chưa từng được bình an. Stress gần như là liều thuốc giúp họ tạm quên đi sự cô đơn và bất an. Luôn có một nỗi sợ thường trực rằng bản thân sẽ bỏ lỡ điều gì đó, bỏ lỡ một món lợi lớn, bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền, hoặc nỗi sợ mất tiền. Mà chưa từng có giây phút thảnh thơi để tự hỏi mình: Mình muốn sống như thế nào? Tiền bạc, tài sản có ý nghĩa gì với mình?

Vậy nên, ở Anvest, điều quan trọng đầu tiên và là nền tảng cho mọi hoạt động liên quan tới tài chính luôn luôn là: Hiểu mình.

Có vô vàn khía cạnh liên quan tới hiểu mình, bởi vì đó là điều khó khăn nhất trong cuộc đời, và cũng là điều sẽ giúp bạn đối diện với mọi khó khăn khác. Vậy nên buổi workshop nhỏ này không có tham vọng làm rõ tất cả, mà chỉ là một buổi đề có cơ hội nhìn lại, đặt câu hỏi, để hiểu thêm một chút về bản thân.

Và một điều nhỏ trong workshop mà mình muốn ghi chú lại để chia sẻ chính là mô hình Johari window – cửa sổ Johari.

CỬA SỔ JOHARI LÀ GÌ?

Cửa sổ Johari được viết tắt từ tên của 2 người phát triển ra mô hình này, Jo-Hari, là hai nhà tâm lý học Joseph Luft và Harrington Ingham. Họ đã phát triển và công bố “Johari window” vào năm 1955 và vẫn được sử dụng đến ngày nay, thể hiện nền tảng vững chắc và tính đúng đắn của mô hình này.

Vậy tại sao lại gọi là “cửa sổ”, nó là gì?

Cá nhân mình rất thích từ cửa sổ, bởi vì đó là thứ giúp chúng ta nhìn xuyên qua những bức tường. Thật khó có từ gì hay hơn để mô tả tính năng của mô hình này. Đó là một phương tiện để giúp bạn nhìn sâu hơn về bản thân. Nó có 4 ô cửa giúp bạn có thể nhìn thấy rõ hơn về bản thân. Điều thú vị là bạn có thể thay đổi kích thước của các ô cửa này.

Ô cửa sổ Johari đầu tiên: OPEN SELF

Như trên sơ đồ đơn giản này, bạn có thể thấy rằng ô cửa đầu tiên nói về những thứ mà cả bạn và người khác đều biết, đều nhìn thấy. Đó là ô cửa sổ sáng nhất, trong suốt nhất, rõ ràng nhất.

Đó là những điều mà bạn bộc lộ ra ngoài một cách chân phương, bản năng, không giấu diếm, không giả tạo. Đó là những điều mà bạn và người khác đều hiểu giống nhau, không có sự hiểu nhầm, hiểu sai.

Vậy thì bạn có thể lấy ví dụ như là tuổi tác, giới tính, việc làm, quần áo bạn hay mặc, kiểu tóc, các thiết bị và công cụ mà bạn sử dụng, chất giọng, trạng thái hiện tại, thông tin về gia cảnh, vân vân…

Ô cửa sổ Johari thứ hai: HIDDEN SELF

Ô cửa sổ thứ hai thì hơi mờ hơn một chút, đó là một ô cửa sổ mà thay vì là một tấm kính trong suốt 2 chiều như OPEN SELF để cả hai phía đều có thể nhìn rõ, thì ở đây nó là một tấm kính phản chiếu – một tấm gương soi mà chỉ có thể tự bạn nhìn thấy chính mình, còn người khác thì không thể nhìn thấy bạn. Đó là ô cửa sổ của cái tôi giấu kín trước công chúng, thậm chí là một cái tôi bí mật.

Thông thường, bạn biết ô gương soi này tồn tại nhưng lại rất hiếm khi nhìn vào nó. Bởi vì những điều mà bạn vô tình hay chủ đích không bộc lộ với thế giới, thường là những điều mà chính bạn cũng không muốn nhìn rõ.

Đó có thể là những điều mà bạn sợ công khai, sợ bị đánh giá, sợ người khác biết, hoặc đơn giản chỉ là chưa bao giờ có cơ hội để bộc lộ ra ngoài. Nhưng một thực tế không thể chối cãi đó là: Bạn biết nó vẫn tồn tại ở đó, chỉ là vẫn đang lờ nó đi mà thôi.

Ô cửa sổ Johari thứ ba: BLIND TO SELF

Ô cửa thứ hai thì ngược lại với ô của HIDDEN SELF, vì ở đây thì bản thân bạn không nhìn thấy chính mình, nhưng người khác thì nhìn thấy bạn. Nghe lạ nhỉ? Có điều gì về chính bản thân bạn mà bạn không biết, nhưng người khác lại biết?

Có đấy. Ví dụ như trên hình là… “bạn bị dính rau trên răng kìa”. Đó cũng có thể là những thứ nghe drama như phim, kiểu thân thế thật sự của bạn chẳng hạn. Nhưng trong đời thực, thì thông thường nó sẽ liên quan nhiều hơn tới những “ảo tưởng về bản thân” của bạn.

Ví dụ như bạn quá tự tin vào giọng hát của mình chẳng hạn, nhưng vẫn chưa có ai tạt gáo nước lạnh vào mặt bạn, hoặc có tạt rồi mà vẫn không tẩy được cái ảo tưởng đó đi. Hoặc như đi khám bệnh, thì bác sĩ biết nhưng bạn đâu có biết. Hoặc như trong công việc, bạn có những thứ bạn quá tự tin hoặc tự ti về năng lực của bản thân, nhưng đồng nghiệp và sếp có thể sẽ đánh giá đúng hơn. Hoặc bạn đang ở vị trí để gọi là “không biết cao thấp”, hay “có mắt mà không thấy thái sơn”, nhưng những người đi trước với năng lực cao hơn sẽ có thể nhìn rõ hơn là bạn đang ở đâu.

Một ví dụ khác mang tính tích cực hơn, đó là những nguồn lực mà bạn có nhưng không biết là bạn có, hoặc chưa biết cách để khai thác, sử dụng. Vấn đề là: Làm sao để biết thứ mà bạn không biết?

Ô cửa sổ Johari thứ tư: THE UNKNOWN

Ô cửa cuối cùng nghe giống giống cửa sổ cho lắm, mà giống bức tường hơn. Vì nó che chắn cả hai. Nó là trạng thái đóng cửa sổ. Là ô cửa mà cả bạn và người khác đều không biết. Nhưng không biết không có nghĩa là nó không tồn tại.

Đôi khi tự nhiên bạn biết thêm một chút về bản thân khi rơi vào một hoàn cảnh mới. Ví dụ như cả bạn và đám bạn thân nhất của bạn đều không ngờ rằng bạn có thể chạy rất nhanh và có thể nhảy rất xa qua một con mương rất rộng… khi bạn bị chó rượt. Đó là một chân trời mênh mông và mơ hồ có thể chứa rất nhiều thông tin bất ngờ về chính bạn.

ỨNG DỤNG CỬA SỔ JOHARI NHƯ THẾ NÀO?

Khi đi tìm hiểu triết lý Ikigai từ hòn đảo Okinawa, tác giả Héctor García đã có những phát hiện hết sức thú vị. Và có một điều mình rất thích trong đó liên quan tới của sổ Johari chính là:

Vì hòn đảo quá nhỏ, mọi người đều biết nhau từ đời ông bà đến cháu chắt, nên tất cả mọi người đều sống rất thật. Không có ai cần phải nỗ lực “sống ảo”, tạo ra một hình ảnh giả tạo về bản thân để trình diễn khi gặp người khác.

Tức là ở đảo Okinawa, ô của sổ OPEN SELF của mọi người đều rất to. Bởi vì ai cũng biết nhau rất rõ. Mà ô cửa này càng to thì bạn sẽ càng sống tốt hơn.

Tại sao?

Bởi vì khi bạn và mọi người hiểu rõ nhau, sẽ không còn trường hợp trớ trêu kiểu “em tưởng / anh tưởng” nữa. Mọi người sẽ hiểu rõ năng lực của bạn để giao cho bạn đúng việc, hiểu rõ khuyết điểm của bạn để giúp bạn cải thiện, hiểu rõ khi nào bạn gặp khó khăn để giúp đỡ, hiểu rõ lộ trình của bạn để đồng hành,…

Cho nên, nhiệm vụ của bạn khi áp dụng mô hình cửa sổ Johari chính là phải mở rộng ô cửa sổ đầu tiên ra càng rộng lớn càng tốt. Đó là ô cửa trong sáng nhất, rõ ràng nhất, không bị bóp méo nhất.

Để đẩy nó dần về phía ô HIDDEN SELF, bạn phải bộc lộ bản thân nhiều hơn. Trước hết là bộc lộ với chính mình, bằng cách tự quán chiếu, tự quan sát, tự nhìn lại mình. Sau là bộc lộ với người khác những năng lực, điểm mạnh, và cả điểm yếu của bạn. Tất nhiên, đầu tiên là với những người mà khiến bạn cảm thấy an toàn, có mối quan hệ hỗ trợ và mang tính xây dựng, nuôi dưỡng.

Để đẩy về phía ô cửa sổ BLIND TO SELF, bạn cần học cách để tìm kiếm phản hồi từ thế giới, từ người khác, và quan trọng hơn hết là chịu lắng nghe. Lắng nghe một cách không phán xét, không phòng thủ, không chống trả. Để chắt lọc được những ý kiến tốt, mang tính xây dựng, phản ánh đúng thực tế mà không đi kèm với những cảm xúc độc hại. Hãy tìm người mà bạn có thể tin tưởng, có tính chất nuôi dưỡng, để tìm phản hồi có tính xây dựng nhé.

Để đẩy về phía ô cửa sổ UNKNOWN, thì có lẽ cách tốt nhất chính là gia tăng trải nghiệm. Hãy cho bản thân được bước vào những môi trường mới, bên ngoài comfort zone của bạn. Để bản thân được thử thách vừa phải, trải nghiệm mới lạ nhưng an toàn và có kiểm soát, dưới sự hướng dẫn của những người đi trước. Hãy khám phá nhiều hơn về năng lực của bản thân.

VÀI ĐIỀU NHẮN NHỦ VỚI BẠN TRÊN HÀNH TRÌNH HIỂU MÌNH

Quá trình hiểu mình là một quá trình trọn đời. Hiểu mình hơn, tự nhiên bạn sẽ hiểu thế giới hơn, bởi vì thế giới chính là tấm gương phản chiếu chính bạn đấy thôi.

Quá trình đó luôn cần sự quan sát liên tục – quan sát không định kiến, không phán xét. Và hãy nhớ nhìn thấy những điều ẩn sâu bên trong lớp vỏ hình tướng của nó. Đó là nguyên lý, là triết lý, là dòng chảy…

Rồi thì bạn sẽ cần biết cách đặt câu hỏi để đào sâu hơn, phản biện chính mình, thử nghiệm giả định… Đi sâu hơn vào WHY thay vì vào WHAT.

Cuối cùng, đó là sự nhẫn nại. Kiên nhẫn với chính mình, không đặt áp lực, cũng không vội vàng bám lấy một câu trả lời. Hãy để bản thân được thong dong trong dòng chảy đó. Hãy tin vào quá trình, vì kết quả sẽ hiếm khi xuất hiện trong một sát na giác ngộ như trong phim, mà sẽ diễn ra rất dần dần, để sau một quá trình và nhìn lại, bạn sẽ thấy được sự thay đổi.

Xin tặng bạn một quyển sách do mình dịch, mong rằng sẽ giúp bạn hiểu mình hơn: https://bit.ly/element-by-ken

Người viết: Trần Tuấn

Bài viết liên quan

Tài chính cá nhân
Anvest Team

MoneyWe – Hướng dẫn chơi game

GAME TÀI CHÍNH MONEYWE LÀ GÌ? MoneyWe là một cardgame được Anvest phát triển để trở thành một phương tiện học tập và thực hành an tâm tài chính (financial wellbeing), với nhiệm vụ chính là để tăng cường giao

Xem thêm »
No more posts to show

Để lại email để nhận các
kiến thức bổ ích từ Anvest hàng tuần!